Ngày 20/11 tại Hà Nội, Trường CĐ Công thương Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và khai giảng năm học mới 2017-2018. Dự lễ khai giảng có đại diện Tổng cục GDNN, đặc biệt là sự có mặt của hàng chục lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang phối hợp liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Ban giám hiệu Trường CĐ Công thương Việt Nam trao học bổng toàn khóa học
cho sinh viên có thành tích cao trong học tập.
Thầy Lê Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương Việt Nam cho biết: Bên cạnh Lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Khai giảng năm học mới 2017-2018, Nhà trường lên kế hoạch, không ngừng mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác quốc tế… ký cam kết mạnh mẽ tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. “Kiên trì sứ mệnh mục tiêu mang tới cho công đồng dịch vụ tốt nhất đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiêp đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ chất lượng cao tiếp cận các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; người học có việc làm sau đào tạo góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao thu nhập cho người lao động…”, Thầy Dũng cho biết thêm.
Hiệu trưởng Lê Hữu Dũng trao Giấy khen cho cho sinh viên có thành tích cao trong học tập
Ông Lê Đại Hùng, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Công thương Việt Nam cũng khẳng định: “Nhà trường cam kết đảm bảo việc làm cho các học viên sau tốt nghiệp cụ thể bằng thỏa thuận hợp đồng được ký ngay từ đầu khóa học, nhằm tạo sự an tâm học tập, làm việc cho các em. Cụ thể, nhà trường cam kết đào tạo cho các học viên biết làm việc, làm được việc theo đúng ngành nghề sinh viên đã đăng ký. Nhà trường ký cam kết với phụ huynh, học sinh sẽ đảm bảo 100% lo việc đầu ra đối với các nghề: Kỹ thuật dược, kế toán, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, hướng dẫn du lịch. Nếu nhà trường không bố trí được việc làm thì sẽ hoàn lại học phí cả khóa học cho các học viên. Còn đối với các nghề khác đang đào tạo thì nhà trường cũng đảm bảo 90% việc lo đầu ra việc làm…”
Chia sẻ thông tin, ông Hùng nói: “Nhận định nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề ở nước ta hiện nay là rất lớn. Nhất là các nghề như: Điện – điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, điện tự động hóa, điều dưỡng, nấu ăn, du lịch…. Tuy nhiên, việc nắm bắt cơ hội được hay không là do mỗi trường và mỗi học sinh. Trường CĐ Công thương Việt Nam là một trường mới, cơ sở vật chất của nhà trường được xây dựng hiện đại, đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm thực tế, các ngành đào tạo đều được khảo sát, đánh giá sát với nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, trường luôn xác định từ đầu đó là đào tạo đi liền với đẩy mạnh giới thiệu và tạo công ăn việc làm cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp. Điều này được thể hiện ở khẩu hiệu của nhà trường “Cơ hội học tập – cơ hội việc làm”.
Ông Lê Đại Hùng, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Công thương Việt Nam trao máy tính xách tay
cho sinh viên vượt khó học tập.
Để cụ thể hóa khẩu hiệu, Trường CĐ Công Thương Việt Nam đã tiến hành ký kết hợp tác với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghề đào tạo để tạo cơ sở thực tập, thực tế cho các học viên. Các đối tác tập đoàn, doanh nghiệp đó cũng chính là các đơn vị sẽ tiếp nhận các bạn học viên của nhà trường sau tốt nghiệp. Học viên tại trường trong một năm thường có 3 tháng thực tập thực tế tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và năm cuối là 4 tháng thực tập.
Như vậy, trong 3 năm học sinh viên có 10 tháng thực tập, thực tế. Đặc biệt, trong khoảng thời gian đi thực tập, sinh viên vẫn được công ty trả lương bình quân là 4 triệu đồng/ tháng. Sau khi tốt nghiệp được nhận lại làm việc luôn hoặc giới thiệu đến các đơn vị khác nếu muốn. Một số tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu mà nhà trường đã ký hợp tác như: Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, Công ty Sông Đà, Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Tuấn Hùng, Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Vinh Quang, Công ty Cổ phần thiết bị điện 368, Công ty dược và thiết bị y tế Quân đội – Armephaco, Công ty CP Năm Tốt…”.
Việc các trường chủ động gắn kết doanh nghiệp không còn là vấn đề xa lạ với những người quan tâm tới lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Những kết quả đạt được từ phương thức đào tạo “kép” này không chỉ mang đến lợi ích cho nhà trường, doanh nghiệp mà còn giúp người học tiết kiệm thời gian, chi phí, học đúng trọng tâm và tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý từ những người lành nghề.
Nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được nhà trường và doanh nghiệp tặng áo ấm và
dụng cụ học tập.
Sự kết hợp đào tạo giữa nhà trường và các đơn vị doanh nghiệp theo phương châm mà Trường CĐ Công thương Việt Nam đang thực hiện đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nhà trường đã vận dụng linh hoạt, doanh nghiệp thành “công xưởng” thực tập bổ ích cho học viên. Thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành. Bởi chỉ có các doanh nghiệp mới là nơi tập hợp, cập nhật kịp thời công nghệ mới để học viên có thể thực hành, học hỏi và vận hành tốt nhất sau khi ra trường. Trong khi đó, doanh nghiệp lại chủ động được nguồn lao động cần thiết mà không mất công đào tạo lại. Còn học viên sẽ rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, từ đó nâng cao tay nghề, chuyên môn và tạo thuận lợi tối đa cho công việc sau khi ra trường.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục GDNN, Trường CĐ Công thương Việt Nam, được quy hoạch và đầu tư trọng điểm để trở thành Trường đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Trường thực hiện phương thức đào tạo ngắn gắn kết với giải quyết việc làm cho sinh viên, được các doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá cao.